22/06/2023
SÓC TRĂNG XÂY DỰNG ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NUÔI TÔM NƯỚC LỢ GIAI ĐOẠN 2023 - 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
Chiều ngày 12/6, tại Văn phòng UBND tỉnh Sóc Trăng, đồng chí Vương Quốc Nam - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức cuộc họp nghe Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng báo cáo Đề án Phát triển nuôi tôm nước lợ tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Tham dự có lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan và lãnh đạo UBND các huyện: Cù Lao Dung, Long Phú, Mỹ Xuyên, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vương Quốc Nam nghe các sở, ngành và địa phương báo cáo tiến độ xây dựng Đề án Phát triển nuôi tôm nước lợ
Đề án phát triển nuôi tôm nước lợ tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2023 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng chủ trì, phối hợp với sở, ngành, địa phương liên quan xây dựng. Đề án sẽ triển khai thực hiện tại 05 huyện có diện tích thả nuôi tôm như: Trần Đề, Mỹ Xuyên, Cù Lao Dung, Long Phú và thị xã Vĩnh Châu. Kinh phí thực hiện Đề án hơn 27 tỷ đồng; trong đó, ngân sách nhà nước hơn 17 tỷ đồng và nguồn vốn xã hội hóa hơn 10 tỷ đồng.
Theo đó, Đề án định hướng sẽ xây dựng 45 mô hình điểm chủ đạo, phù hợp với từng tiểu vùng sản xuất trong 3 năm triển khai, được kiểm soát chặt chẽ về môi trường và dịch bệnh. Phấn đấu 100% cơ sở nuôi, hộ nuôi đảm bảo điều kiện về nuôi trồng thủy sản và được cấp mã số ao nuôi, đối tượng nuôi chủ lực đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc phục vụ xuất khẩu. Tham gia trình diễn mô hình được đào tạo và được cấp chứng chỉ đào tạo, sau khi kết thúc chương trình đào tạo; có 100% Ban Quản trị các hợp tác xã thủy sản, công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được tập huấn nâng cao năng lực quản lý. Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của 20 hợp tác xã để đạt các chứng nhận VietGAP; xây dựng chuỗi liên kết giữa các bên liên quan từ khâu đầu vào đến khâu tiêu thụ sản phẩm.
Đề án đặt ra mục tiêu là đến năm 2025 tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất ngành hàng thủy sản của tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2021 - 2025 bình quân đạt 2,74%/năm và đạt 5,1%/năm (năm 2025). Phấn đấu sản lượng nuôi tôm nước lợ đạt 233.800 tấn (năm 2025), với giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 1 tỷ USD. Năm 2030, diện tích thả nuôi tôm nước lợ duy trì 57.000 ha, bao gồm: 3.000 ha tôm siêu thâm canh; 44.000 ha tôm thâm canh, bán thâm canh; 10.000 ha tôm lúa, tôm quảng canh cải tiến. Sản lượng nuôi tôm nước lợ đạt 311.428 tấn, tốc độ tăng trưởng đạt 6,7%/năm.
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Vương Quốc Nam yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, đánh giá từng hợp phần, nội dung ưu tiên đầu tư của Đề án, đảm bảo không trùng lắp, đúng đối tượng và phù hợp với đặc tính, điều kiện tự nhiên về thả nuôi tôm của từng vùng khu vực dự kiến triển khai thực hiện Đề án, đảm bảo phù hợp, thống nhất nội dung theo Quyết định số 79/QĐ-TTg ngày 18/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động Quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025, Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 11/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thuỷ sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định số 3475/QĐ-BNN-TCTS ngày 30/8/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Đề án tổng thể phát triển ngành công nghiệp tôm nước lợ Việt Nam đến năm 2030. Qua đó, đánh giá đầy đủ, đảm bảo số liệu thống nhất về hiện trạng diện tích vùng nuôi và diện tích thả nuôi; rà soát, bổ sung, cập nhật thêm các thông tin, số liệu về thực trạng nuôi tôm trên địa bàn tỉnh từ năm 2022 trở về trước; đồng thời, đánh giá những thuận lợi, khó khăn, thách thức, đề ra giải pháp thực hiện cụ thể về môi trường, phòng, chống dịch bệnh, giải pháp tiêu thụ sản phẩm,… trong thời gian triển khai thực hiện Đề án./.
Phòng Nông nghiệp - Tài nguyên